Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Nhân chuyện mô hình

Vô tình tôi có tham gia vào cuộc thảo luận về “Tổ quốc” và “Đồng bào”. Đó là các câu hỏi như “Tổ quốc” là gì? “Đồng bào” là những ai? Tổ quốc có tồn tại khách quan không? Ý thức về tổ quốc và thái độ với nó ảnh hưởng thế nào đến cách sống và cách nghĩ của chúng ta?

Đã có hai nghiên cứu của hai “đồng bào” Việt Nam đăng trên tạp chí Enjoycuocsong [1], đọc xong tôi đã thấy hết sức làm thú vị.

Theo ý kiến cá nhân, Tinh thần dân tộc cũng là một thứ tôn giáo, mọi người có quyền theo hay không. Xét thế nên tôi nghĩ việc tranh luận tiếp theo hướng “Có nên theo chủ nghĩa dân tộc?” là một câu hỏi na ná giống như “Có nên tin vào Chúa?". Hơn nữa, khi tranh cãi về tôn giáo thì khó mà bảo đảm được rằng sẽ không xâm phạm đến đức tin của người khác trong khi bảo vệ đức tin của mình.

Ở đây, tôi tập trung vào việc bình luận hai mô hình của tác giả Huybau mới được công bố gần đây. Tác giả đưa ra hai cái mô hình, một cái gọi là “Mô hình vuông”, một cái gọi là “Mô hình tròn”, đều có mục đích mô tả mối quan hệ giữa cái Tôi và các đơn vị xã hội khác như Gia Đình, Làng xóm, Đất nước, Nhân loại.

Trong Mô hình vuông, Tôi là khái niệm riêng nhất, nó đuợc bao bọc bởi khái niệm Gia đình. Cả Tôi và Gia đình được bao bọc bởi khái niệm Làng xã. Rồi cả ba khái niệm này lại nằm trong Đất nước. Khái niệm bao trùm lớn nhất là Nhân loại.

Đây là một mô hình chặt chẽ về mặt triết học, ở đó các khái niệm ngày càng khái quát hơn, đi từ cái Tôi riêng rẽ đến cái Nhân loại rộng lớn, với phần Ngoài diên tức tập hợp cá thể ngày càng phình to. Ngoại diên của các khái niệm là xác định trong bất cứ thời điểm nào. Vì thế các khái niệm này tồn tại khách quan với ý thích của chúng ta.

Mô hình thứ hai là Mô hình tròn, theo cách hiểu của tôi, Tôi riêng lẻ giữ vị trí trung tâm, các khái niệm đã nói ở trên như Gia đình, Làng xóm, … được chuyển hóa thành các giá trị quan, gắn lên trên cái Tôi. Có thể xem như trong mô hình nay, chỉ tồn tải các vật thể là cái Tôi, các khái niệm xã hội khác là các thuộc tính định nghĩa cái Tôi.

Về bản chất hai mô hình này khác nhau rất nhiều. Sự khác biệt lớn nhất có thể nói như sau. Mô hình vuông mô phỏng sự quy thuộc của cá nhân vào các tổ chức xã hội mà nó tồn tại, một quan niệm phổ biến từ trước đến nay. Mô hình tròn mô phỏng sự vận động và tương tác giữa những cái tôi trong một không gian mà sự ma sát về văn hóa, chính trị, tôn giáo là không đáng kể.

Đã và tôi nghĩ là sẽ có tiếp tục những nhận xét rằng mô hình này ưu việt hơn mô hình kia vì nó có những ưu điểm này mà tránh được những hệ lụy kia. Tôi cho rằng những nhận xét như vậy nếu không có những bằng chứng hỗ trợ thì khó tránh khỏi trở thành duy ý trí và phiến diện. Ví dụ như, tôi đã thử tìm các nghiên cứu có số liệu kèm theo để kiểm chứng giả thuyết rằng: “Nước kém phát triển thì thường là các nước có nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc”. Trong phần dữ liệu điều tra của Thomas Blank và đồng nghiệp [2] ( viện nghiên cứu Max Plank, Đức), có hai câu hỏi: “Bạn có cảm thấy gần gũi với đất nước mình?” và “Bạn có tự hào về đất nước mình?”. Trong 32 quốc gia điều tra, người dân Mỹ tính trung bình được thấy là có câu hỏi trả lời tích cực nhất. Như vậy có thể nói, người dân Mỹ ý thức về dân tộc rất cao. Nước Mỹ có phát triển không? Chắc là có.

Công trình của Huybau [1] gợi cảm hứng cho tôi tìm hiểu thêm về chủ nghĩa dân tộc, toàn cầu hóa, và chủ nghĩa cá nhân. Áp vào Việt Nam cụ thể sẽ thế nào? Bài viết này coi như chương 1 (Motivation and Previous Works) của nghiên cứu này.

References:
[1] Huybau, Chuyện Mô Hình, Enjoycuocsong Website
[2] Thomas Blank, et al. "PATRIOTISM" –A CONTRADICTION, A POSSIBILITY OR AN EMPIRICAL REALITY, ECPR Workshop 26: National Identity in Europe